Đất nước giăng đầy bẫy chuột

Đất nước giăng đầy bẫy chuột

Qua tôi ngồi với mấy anh em làm nghề thợ xây. Họ kể về chuyến đi thực địa công trình ở SG 2 ngày thành 2 tuần.

Một trung tâm Spa đã thi công và đã được “bao phép” nới tum. Tum là nơi làm phòng xông hơi. Các cụ đi Massage hay Spa sẽ hiểu, phòng đó quan trọng như thế nào rồi. Khi qui hoạch đã ổn định, mà mất nó đi cái, coi như nát toàn bộ cấu trúc và mức độ sang trọng.

Mất tum là mất view, mất chống thấm, mất công năng, mất hài hoà, mất đủ.

Đang yên ổn thì phường báo, giờ họ không bao được nữa, phải cắt cụt tum đi. Thế là coi như vỡ trận. Và mọi công đoạn đều phải quay lại khâu đầu tiên. Thiết kế lại.

Cách đây hơn 20 năm, luật thuế VAT ra đời. Tệ mua hoá đơn rầm rộ hơn cả chợ ngoại tệ ở Hà Trung. Không chỉ dân, mà doanh nghiệp cho đến cơ quan quản lý nhà nước đều đi mua để hợp thức hoá chứng từ.

Hồi đó bọn tôi hay nhảy xe đò đi công tác, xong về mua vé thanh toán ở ga Hàng Cỏ. Càng quan chức nhà nước càng hay mua.

Sau vé tàu thanh toán là hoá đơn ăn nhậu, cứ tiêu chán xong nhét cả vào hoá đơn ăn uống. Bởi có tỉ thứ từ công trình không hề có hoá đơn.

Trong tỉ thứ đó, có cọc tre. Cọc tre mà chúng tôi cần cho công trình, thường phải hàng vạn đến gần cả triệu mét dài, miền Nam sẽ dùng cọc cừ tràm. Và thứ đó thì tiện nhất là mua từ bụi tre của dân quanh vùng. Nhà nước và luật lại không chế tải cho bụi tre cấp hoá đơn. Thế là phải đi mua thôi. Do luật ngu, không phải chúng tôi gian.

Đợt rồi bạn tôi làm công trình ở một huyện miền núi Tây Bắc, nhân công y cọc tre. Nghĩa là vào bản tậu trai thanh gái lịch đi làm công nhân xây dựng. Mà trai bản gái núi cao không cấp hoá đơn, thế là phải đi mua. Rủi cái, mua đúng cái công ty và mấy sau nữa làm ăn không được nó đóng cửa, hoá đơn mất hiệu lực.

Công ty đó lại bán cho nhiều đơn vị, một trong những đơn vị có dính án. Thế là công an hỏi.

Anh em ngồi than. Hoá đơn đó sau khi kiểm toán nội bộ, xét thấy không đủ điều kiện hoàn thuế phải bỏ đi, mất mấy chục tiền thuế VAT, mất tiếp mấy chục tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, lại mất tiếp mấy chục triệu để bù lại bằng hoá đơn khác để quyết toán.

Giờ công an hỏi, thế là lại mất tiếp tiền giải trình là em không gian. Nếu em gian là xong rồi.

Tầm như em. Doanh thu năm 1-200 tỷ, tuyền làm đúng, nhưng với các sự cố kiểu đó, thì công an bắt lúc nào cũng được. Bất cứ lúc nào cũng có thể đi tù, dù không làm gì “sai”.

Do đó, là doanh nghiệp, càng rủi ro càng phải làm lớn, gia tăng doanh thu. Bởi chỉ có làm lớn và gia tăng doanh thu, thì mới lấy cái sau bù cái trước được, rộng đường chi tiêu, quan hệ rộng lên và rủi ro theo đó pha loãng ra.

Cho đến khi nó lớn đến tầm anh Quyết, anh Dũng, anh Lam, anh Vượng, thì về cơ bản là mất kiểm soát mức độ rủi ro. Và nếu bị bắt, thì hệ luỵ sẽ đến với hàng vạn người có quan hệ trực tiếp cũng như gián tiếp như đã thấy.

Liên quan đến luật PCCC, anh em nhà mặt phố cũ hay shophouse khu đô thị, giờ ngồi khóc rưng rức, vì không thể và khó có thể để cho thuê, nhất là cho các tổ chức thuê có yếu tố “tụ tập đông người”, vì chuẩn an toàn PCCC xưa không còn nữa. Mà giờ phải tuân thủ Quy định về thoát nạn trong PCCC theo QCVN 06:2021/BXD. (Các cụ nhân giá đao, muốn mua shophouse để cho thuê hay kinh doanh lưu ý nhé)

Nó cực kì nhiêu khê, phi lý, ngớ ngẩn, cách rách và lãng phí vô cùng tận.

Tất nhiên là anh em sẽ “bao”, nhưng đến lúc không bao được, sẽ y cái tum bị cắt mà tôi đã nói ở trên.

Tôi cho các cụ mục sở thị một sự phi lí đến ngớ ngẩn thế này. Đó là biển báo Exit theo chuẩn PCCC được lắp ngay tiền sảnh, mặt tiền của nhà ống.

Mà nhà ống là nhà gì? Là loại nhà chỉ có 1 cửa mở ra đường. Khi chưa kịp nhìn thấy cái biển, thì người ta đã nhìn thấy cửa và xe cộ chạy đầy đường rồi.

Mà tiền sảnh là gì, đó là nơi được phô diễn, được trưng bày, được trang bị để phục vụ mục tiêu kinh doanh của người chủ, sao cho thu hút, sao cho sang trọng, sao cho bắt mắt. Người ta đổ tiền tỉ vào đó để hút khách, thì bị ngay cái biển Exit của PCCC án ngữ ở vị trí kim cương.

Nhưng không, muốn nghiệm thu há? Phải lắp!

Đời đúng không gì đau hơn là bị kẻ vừa ngu vừa vô cảm quản lý.

Giờ nói nốt chuyện quốc gia. Đó là không hiểu đến bao giờ người ta bỏ các trường đại học đang có, để chuyển ít nhất 2/3 sang trường dạy nghề. Bởi đại học bây giờ, thực sự rất không cần thiết và vô cùng lãng phí.

Ngày tôi vào đại học, cả tỉnh, cả tỉnh ấy nhé, sở giáo dục thống kê có 72 người đỗ vào đại học và trung học chuyên nghiệp. Lúc đó, ngay cả trung học chuyên nghiệp cũng là danh giá rồi, đừng nói đại học. Cả lảng, cả tổng, cả huyện biết tiếng. Thậm chí người ta còn soạn đồng dao cho nó, kiểu nhất Kỳ nhì Phước, nghĩa là 2 nhà của 2 cái ông tên đó, đứng nhất và đứng nhì toàn huyện, mỗi nhà có 4 và 3 con trai, đỗ cao vào các trường đại học.

Giờ thì sao? Cả nước đào tạo kĩ sư xây dựng, giỏi không thèm vào, dốt dốt vào, điểm vào bằng điểm sàn trong mấy năm lại đây, từ trường hạng nhất thành trưởng hạng bét, và đau nhất là kĩ sư ra trưởng chạy grab, nếu có xin được việc, thì lương thấp hơn cả người giúp việc.

Thay vì vinh danh hay mừng vui vì con vào đại học, thì mốt bây giờ là con vào cấp 3. Con đỗ vào trường chuyên, vào lớp chọn, vào trường hạng nhất của … cấp 3.

Là bởi vào cấp 3 bây giờ quá khó. Kì cục không.

Các cụ cho em hỏi, có nơi đâu trên thế giới này, mà đỗ vào cấp 3 lại danh giá hơn đỗ đại học không?

Tại sao lại không đem thử thách khắc nghiệt đó, áp cho người trưởng thành, mà phải áp nó cho trẻ em dưới 16 tuổi?

Trong khi thang bảng lương các cụ lại không hề tính cho tốt nghiệp cấp 2. Vậy chính sách đặt ra là nhằm mục đích gì, ngoài đày ải trẻ con và làm ngu hoá người trưởng thành? Chứ kĩ sư chó gì mất hàng trăm triệu với gần 5 năm đào tạo, lương thấp hơn người giúp việc không đào tạo ngày nào, mà cứ cắm mặt đào tạo lẫn tuyển sinh. Trong khi thợ nề thợ sắt lương hơn 500k/ngày thì không đào tạo?

Và tôi không hiểu với qui hoạch đào tạo kiểu đó. Thò động lực để các con học là gì?

Nguồn: Fb Lê Dũng