Theo quan sát cá nhân trong quá trình theo đuổi các đề tài của thị trường bất động sản, người viết bài này đã từng trăn trở về khái niệm co-living dành cho người trẻ ở Việt Nam, dù biết rằng mô hình này không dễ để áp dụng vì vô vàn rào cản. Trong nhiều cuộc trò chuyện với các nhà phát triển bất động sản và chuyên gia của ngành, người viết bài này đã nhận thấy rằng phần lớn đều tán thành khi nghĩ đến tỷ lệ dân số vàng – những người thuộc thế hệ Millennial và Gen Z – tương ứng 35% và 20% dân số. Thế nên, khi tham gia hội thảo 2023 Market Outlook do JLL Việt Nam tổ chức tại khách sạn Park Hyatt, người viết bài này đã rất ấn tượng với nhận định về sự trỗi dậy của mô hình co-living tại Việt Nam dù biết rằng JLL đã không ít lần nhắc đến xu thế này trong các báo cáo trước đó.
Có vẻ như trong nền kinh tế chia sẻ, người trẻ rất nhanh chóng bắt nhịp cùng văn hóa Uber, Grab cũng như các không gian làm việc chung (co-working). Tuy nhiên, trước một khái niệm không hề mới như co-living vốn phát triển mạnh ở các nước châu u hay một số thị trường trưởng thành ở châu Á như Hồng Kông, Thượng Hải, Singapore, người trẻ tại Việt Nam vẫn chưa mấy mặn mà. Thật hư như thế nào?
Co-living – bước đi ngập ngừng tại các thị trường trưởng thành
Nền kinh tế chia sẻ được hỗ trợ bởi công nghệ kỹ thuật số đã làm thay đổi cách di chuyển, làm việc, giao tiếp và sinh sống của thế hệ Millennial và Gen Z vốn chiếm khoảng 38% lực lượng lao động toàn cầu và tỷ lệ này sẽ tăng lên khoảng 58% vào năm 2030. Với sự lên ngôi của mô hình làm việc từ xa vốn được giới trẻ ưa chuộng kể từ sau đại dịch Covid-19, co-working đã trở thành một trào lưu phổ biến với khoảng 3,8 triệu người vào năm 2020 cùng tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm CAGR 15% cho giai đoạn từ 2021-2030 theo số liệu của Next Move Strategy Consulting. Những “thương vụ bạc tỷ” trong trò chơi vương quyền này như màn ra mắt WeLive của WeWork vào năm 2016, kế hoạch rót 1,13 tỷ USD của Tập đoàn Medici Living cho các dự án co-living ở thị trường châu u vào cuối năm 2018 hay sự kiện WeLive gia nhập thị trường co-living ở Ấn Độ vào năm 2019 đã khiến phân khúc này trở nên sôi động.
Tuy nhiên, thương trường là chiến trường với những cú knock out ngoạn mục, đủ để hạ gục bất cứ tay mơ nào chỉ mơ về viễn cảnh rung đùi ngồi đếm tiền. Miếng bánh tưởng chừng như rất hấp dẫn này hóa ra lại khó nhằn khi vô số kỳ lân công nghệ như WeWork ngã ngựa. Từng phất như diều gặp gió với màn bơm vốn của Softbank, giúp nâng giá trị thương hiệu lên 47 tỷ USD và trở thành startup công nghệ có giá trị vốn hóa cao nhất Hoa Kỳ tại thời điểm đó, WeWork đã buộc phải viết cáo phó tiễn biệt WeLive vào tháng 6/2020 để rồi phải bán phần lớn cổ phần ở Trung Quốc cho một cổ đông lớn vào cuối tháng 9 cùng năm.
Ở xứ sở sương mù, The Collective cũng đối mặt với không ít khó khăn liên quan đến khoản vay thế chấp trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế do đại dịch Covid-19. Ở châu Á, MINI Living Shanghai được BMW đầu tư xây dựng tại quận Tĩnh An, Thượng Hải, đã từng gây tiếng vang với hệ tiện ích cao cấp – từ chuỗi cửa hiệu, nhà hàng, sân thượng, khu vườn, siêu thị, cho đến khu triển lãm. Tuy nhiên, cho đến nay, ngoại trừ thông cáo báo chí xuất hiện cách đây 7 năm, người hâm mộ khó mà tìm được các thông tin cập nhật mới về dự án này. Trang Instagram của dự án chỉ cập nhật hình ảnh đến ngày 21/12/2019.
Bất chấp những thách thức của thị trường non trẻ này, nhiều tân binh khác ở khắp châu u và châu Á vẫn hăm hở gia nhập cuộc chơi trong tâm thế lạc quan. Cuối năm ngoái, startup Cohabs của Bỉ đã gọi vốn thành công với khoản đầu tư trị giá 110 triệu euro trong nỗ lực đạt được 5000 giường trong vòng 4 năm tới. Tháng 4 năm ngoái, tập đoàn Ascott, thương hiệu kinh doanh căn hộ dịch vụ thuộc sở hữu của CapitaLand Investment Limited’s (CLI), đã ra mắt dự án co-living mới với tên gọi Lyf, được thiết kế và quản lý bởi Millennials. Với thương hiệu Lyf, Tập đoàn Ascott đặt mục tiêu ký hợp đồng cùng 150 bất động sản với hơn 30.000 căn hộ vào năm 2030.
Co-living ở Việt Nam – ném đá dò đường?
Khi nói đến mô hình co-living tại Việt Nam, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ ngay đến M Village của Nguyễn Hải Ninh – người từng là đồng sáng lập hai chuỗi cà phê Urban Station và The Coffee House. Tính từ thời điểm khai trương cơ sở đầu tiên vào giữa năm 2021, hiện M Village đã phát triển mạnh với hơn 20 “ngôi làng” hiện đại, sở hữu thư viện, sân vườn, hồ nước, quán cafe và khu BBQ ngoài trời.
Tháng 10/2020, Beta Group, một tân binh khác, đã chào sân với A.Plus Home tại Hà Nội có quy mô 35 phòng. Sau 2 năm hoạt động với nguồn vốn đầu tư từ Asia Business Builder, Ventek, Crossfund, Sketchnote Partners, Ikarus Ventures… hiện A.Plus Home đã có thêm 3 cơ sở mới tại TP.HCM.
Dù có chung nhóm khách hàng trẻ tuổi, nhưng có vẻ như giữa 2 mô hình co-working và co-living lại có sự khác biệt lớn xét về triển vọng kinh doanh. Trong nền kinh tế chia sẻ, co-working ở Việt Nam được người trẻ chấp nhận dễ dàng, nhưng có vẻ như co-living lại là mô hình khiến người mua nhà ngần ngại. So với con số 179 không gian làm việc chung tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng theo số liệu của Acclime Vietnam và Knight Frank Vietnam thì số không gian co-living chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay.
“Việt Nam sở hữu tỷ lệ dân số vàng, trong đó Millennial chiếm khoảng 35% dân số, còn Gen Z là 20%, trong khi nhu cầu nhà ở tại các thành phố lớn luôn không ngừng tăng cao. Thế nên, co-living sẽ là giải pháp lý tưởng cho những người trẻ, giúp tiết kiệm chi phí và tạo ra sự gắn kết giữa các cư dân.” – ông Bách Tạ, Giám đốc Thị trường vốn và Giao dịch của JLL Việt Nam, chia sẻ với Robb Report.
Nói về những thách thức của mô hình này đối với các nhà phát triển dự án, ông Bách nhấn mạnh ý thức của cư dân về không gian chung cũng như khía cạnh an ninh và tính cộng đồng với khả năng tạo ra các cơ hội networking, các lớp học yoga hay những hội thảo theo chuyên đề, đặc biệt là yếu tố bền vững. “Với tư duy hiện đại, thế hệ Millennial và Gen Z đề cao các sản phẩm mang tính bền vững, thân thiện với môi trường. Vậy nên, đây cũng là một thách thức cho những tổ chức/cá nhân muốn phát triển mô hình này tại Việt Nam khi nhận thức về môi trường ở trong nước còn thấp hơn so với các nước trên thế giới” – ông bổ sung. “Thách thức luôn đi kèm với cơ hội. Một quỹ đầu tư Hồng Kông đang tích cực tìm kiếm cơ hội để phát triển mô hình này tại Việt Nam.” – ông tiết lộ thêm.
Riêng người viết bài này vẫn mơ về một mô hình co-living mang dấu ấn công nghệ, vừa đảm bảo công năng, giúp tiết kiệm chi phí nhưng cũng đầy phong cách. Thế nên, khi kết thúc cuộc trò chuyện với ông Bách, người viết bài này đã nửa đùa nửa thật gợi ý một mô hình co-living theo trí tưởng tượng của bản thân – Tik Tok Apartment. Đó là một “ngôi làng” theo phong cách “branded residential co-living” lai hợp giữa công nghệ và phong cách sống với khả năng kết nối giữa các thành phần của hệ sinh thái – từ du lịch, ẩm thực, giáo dục, y tế, tài chính, cho đến Metaverse. Và cách đại diện các quỹ đầu tư Singapore và Hồng Kông săn đón ông Bách ngay sau buổi hội thảo để tìm hiểu về cơ hội đầu tư vào mảng bất động sản có thể lý giải cho tiềm năng của mô hình này tại một thị trường sở hữu dân số vàng như Việt Nam. Và biết đâu trong tương lai gần sẽ có một dự án co-living mang tên Tik Tok Apartment. Tại sao không?
Nguồn: Robbreport