Những ai hay quan sát sẽ thấy dọc theo các con đường cao tốc, những đoạn chạy qua đồi núi; các khu dân cư, làng mạc dưới chân núi, thung lũng ở Nhật Bản, Hàn Quốc đều có các lưới chống sạt lở (soilslide steelgrid) như thế này, đặc biệt là ở Nhật Bản.
Nhật Bản là nơi hứng chịu thiên tai có thể nói khủng khiếp nhất trên thế giới.
Nó cũng là nơi có lượng mưa lớn nhất (khoảng 3000 milimet một năm).
Và nó cũng nằm trên trục bão ở châu Á-TBD. Hàng năm Nhật Bản phải hứng chịu hàng chục cơn bão lớn.
Nhưng, những tổn thất về người và tài sản do sạt lở ở Nhật Bản luôn được khống chế ở mức thấp nhất.
Đó là nhờ công nghệ chống sạt lở bằng lưới có từ rất lâu đời.
Do phải chịu đựng nhiều những cơn lũ quét kinh hoàng, từ xa xưa người Nhật đã phát minh ra công nghệ chống sạt lở khá phức tạp.
Hình 3 là công nghệ chống sạt lở từ thế kỷ XVII-XIX ở Nhật Bản.
Nhìn vào hình vẽ trong văn khố cổ ở Nhật Bản, ta có thể thấy từ xa xưa người Nhật đã rất ý thức về chống sạt lở.
Họ đã nghĩ ra công nghệ chống sạt lở đi trước thời đại.
Ta hãy cùng xem chú giải.
(1): Đập đá cuội; (2): Đập đất trình; (3): Lưới bố bậc thang; (4): Kè đá; (5): Kè lưới bố; (6): Hành lang cỏ; (7): Lưới bố; (8): Lưới bó rơm; (9): Đập hạ nguồn.
Qua các chú giải, ta có thể thấy công nghệ chống sạt lở của người Nhật từ xa xưa đã khá phức tạp và họ chủ yếu dùng lưới bố và các con đập, bờ kè khá thông minh.
Và đó chính là cơ sở để người Nhật tham khảo cho công nghệ chống sạt lở hiện đại ở Nhật Bản.
Nhưng dù thế nào, cũng như người xưa, người Nhật vẫn chủ yếu dùng lưới (lúc này được thay bằng lưới thép).
Người Nhật nhận thức được rằng, cũng như các vụ lở tuyết, thảm hoạ sạt lở bao giờ cũng bắt đầu từ chân đồi, núi.
Sau các cơn mưa, bão thì mặt đất luôn mềm và yếu. Và điểm yếu nhất bao giờ cũng ở chân đồi, nơi tiếp giáp đồng bằng và phải chịu lực nén từ trên cao.
Và chỉ cần một xê dịch nhỏ ở đây thì thảm hoạ sạt lở sẽ xảy ra.
Chính vì thế khi đi dọc theo các con đường đi qua vùng đồi núi ở Nhật Bản, khi ta ngước mắt lên, bao giờ cũng thấy hệ thống lưới thép bạt ngàn bám vào các chân đồi và trải rộng lên cao.
Phía dưới là các kè đá sát mặt đường.
Và ở các khu dân cư, làng mạc ở chân núi, thung lũng cũng vậy.
Chính vì thế kể cả khi có mưa bão lớn, Nhật Bản hiếm khi phải hứng chịu các thảm hoạ sạt lở đất như ở VN.
Người Việt ta hay bi luỵ nhưng hiếm khi suy nghĩ về giải pháp.
Chúng ta năm nào cũng hứng chịu hàng chục cơn bão, sau mỗi cơn bão là thảm hoạ sạt lở.
Năm nào cũng cướp đi sinh mạng của hàng chục người.
Và năm sau lại thế.
Chúng ta hăm hở đóng hàng ngàn tỷ từ thiện mỗi năm, nhưng bi kịch hơn, năm sau ta vẫn làm vậy.
Không một ai suy nghĩ về một giải pháp gốc rễ, tổng thể như người Nhật.
Phá rừng là một nguyên nhân. Nhưng nguyên nhân chính vẫn là không ai suy nghĩ về một hệ thống lưới thép và kè đá như người Nhật.
Có vẻ nếu có giải pháp tổng thể như thế thì kịch tính biến mất.
Mà người Việt thiếu kịch tính, thiếu cái để ra vẻ thì cuộc sống sẽ nhàm chán.
Và đó mới là bị kịch thực sự.